khktmd 2015






Đạo học làm việc lớn là ở chỗ làm rạng tỏ cái đức sáng của mình, thương yêu người dân, đạt tới chỗ chí thiện. Đại học chi đạo, tại Minh Minh Đức, tại Tân Dân, tại chỉ ư Chí Thiện. 大學之道,在明明德,在親民,在止於至善。












Thứ Bảy, 11 tháng 3, 2023

Tổ Hợp Silicon Valley Financial Group Đắm Đò, Ngày 10/3/2023 - Tác giả Nguyễn Xuân Nghĩa


Chúng ta vẫn còn Xuân, nên – ít ra cho các bà các cô – xin nói ngay về… nhân duyên! Cái nhân (nguyên nhân sâu xa) là cuộc phiêu lưu của Tổ hợp SVB Financial Group lại bị đại họa. Cái duyên là biến cố nhất thời mà bất hợp thời là lạm phát khiến Ngân hàng Trung ương tăng lãi suất (interest rate) và chi phối phân lời trái phiếu (yield)! Hãy nghĩ tới một con bệnh gặp cơn gió lạnh: con thuyền đã bấp bênh nay gặp bão, và chìm!...

Như mọi khi, trước hết là về bối cảnh, cho một bài sẽ khá dài.

Ta vừa chứng kiến một vụ đắm đò khi California Department of Financial Protection and Innovation (CDFPI) ra lệnh đóng cửa ngân hàng lớn hạng thứ 16 của Mỹ là Silicon Valley Bank of Santa Clara (SVB) giữa ngày Thứ Sáu 10 Tháng Ba 2023. Biến cố khó xảy ra nội trong ngày đó mà phải có triệu chứng và lý do từ trước. Vì vậy, xin tổng hợp các dữ kiện về bối cảnh làm cơ sở theo dõi tiếp hậu quả. Mà xin nhớ cho hai thực thể: Ngân hàng SVB chỉ là tấm bình phong vừa bị lật, doanh nghiệp mẹ là Tổ hợp SVB mới chéo giò và bị đóng cửa hôm Thứ Sáu.

Xin được vắn tắt (từ A tới B) các sự kiện do báo chí tường thuật. Sau đó mới phân tách về nhân duyên hầu dự đoán ra hậu quả.

A/ NGÂN HÀNG TRUNG ƯƠNG NÂNG LÃI SUẤT. Do nạn lạm phát, Ngân hàng Trung ương Hoa Kỳ (sẽ viết tắt là FED) đã dồn dập nâng lãi suất từ cuối năm ngoái, vốn ở mức quá thấp từ nhiều năm, để chặn đà mất giá của đồng bạc khi vật giá gia tăng. Hậu quả là giới đầu tư hết dám lấy rủi ro như xưa: tiền bạc thành đắt hơn. Sự kiện đó gieo họa cho các doanh nghiệp vừa mới thành lập (loại thân chủ chính của Ngân hàng SVB).

B/ MỘT SỐ THÂN CHỦ CỦA SVB THIẾU HIỆN KIM. Do khó khăn ngắn hạn đó (thời khoảng dưới hai năm), thị trường cổ phiếu phát hành lần đầu (Initial Public Offering, IPO) của loại doanh nghiệp tân lập bèn chặn hết mọi hy vọng vay tiền để khuếch trương. Việc vay mượn riêng cũng thành đắt giá hơn. Nhiều thân chủ của Ngân hàng SVB đành rút tiền ký thác hầu có đủ hiện kim (thanh khoản hay tiền mặt). SVB bèn kiếm tiền đáp ứng nhu cầu của khách hàng, đến tuần qua là cao điểm.

C/ NGÂN HÀNG SVB BÁN LỖ TRÁI PHIẾU. Hôm Thứ Tư 08 Tháng Ba, SVB phải bán 21 tỷ bạc trong tích sản (assets), đa số là Công khố phiếu Hoa Kỳ (trái phiếu do nhà nước phát hành, U.S. Treasuries) với phân lời trung bình là 1,79%. Mức quá thấp so với phân lời (yield) loại Công khố phiếu có kỳ hạn 10 năm đang ở mức 3,9%. Làm tính trừ ta thấy ra cái lỗ, được SVB xác nhận ở khoảng 1,8 tỷ bạc. Tới lượt SVB lo kiếm tiền để tăng vốn. Bằng cách bán cổ phiếu của mình.

D/ VỤ BÁN CỔ PHIẾU THẤT BẠI. Ngân hàng SVB thông báo hôm Thứ Năm 09/Tháng Ba sẽ bán 2,25 tỷ các loại cổ phiếu của mình để trám vào lỗ hổng. Cuối hôm đó, cổ phiếu SVB mất giá 60% vì giới đầu tư sợ rằng việc các thân chủ rút tiền ký thác sẽ khiến SVB còn phải tìm thêm thanh khoản!

E/ NHIỀU ĐẠI GIA ĐÃ NHÌN THẤY XA HƠN. Tình hình không chỉ xoay vần trong vài ngày, một số đại gia tỷ phú trong giới đầu tư đã thấy sớm hơn. Trong thế giới tận dụng loại “tư bản mạo hiểm” (“venture capital”, VC, sẽ giải thích sau) nhiều doanh nghiệp khuyên các thân chủ sớm rút tiền khỏi Ngân hàng SVB để tránh lỗ vốn, thí dụ là tỷ phú Peter Thiel của quỹ đầu tư Future Fund. Lập tức, một đại gia như General Atlantic đã được SVB dạm hỏi khi bán cổ phiếu cũng có phản ứng lắc đầu. Phản ứng dây chuyền đã xảy ra, mà xảy ra sớm hơn ta biết!

F/ CDFPI NHẬP CUỘC, ĐÓNG CỬA SVB. Do khách hàng ồ ạt vào Ngân hàng SVB rút ký thác, cơ quan hữu trách của California là California Department of Financial Protection and Innovation (CDFPI) lập tức can thiệp: 1/ đóng cửa SVB, 2/ cho cơ quan FDIC Federal Deposit Insurance Corporation quyền quản lý thay; 3/ FDIC bèn lập ra ngân hàng khác là Deposit Insurance National Bank of Santa Clara (DINB) để từ Thứ Hai 13 sẽ quản lý tài sản trị giá 209 tỷ đô la, kể cả 174,5 tỷ ký thác để bảo vệ quyền lợi của giới ký thác có bảo hiểm với FDIC. 

G/ LÝ DO KHỦNG HOẢNG PHẢI ĐƯỢC THẤY TỪ LÂU. Lý do khiến thân chủ (đa số là nhân viên các tổ hợp điện tử và giới đầu tư loại ‘tư bản mạo hiểm’) rút tiền ký thác nên được thấy từ lâu: Ngân hàng SVB là phân vụ của Tổ hợp SVB Financial Group, chính tổ hợp này mới bị rung chuyển. Chứ vì đặc tính chuyên biệt với vùng Silicon Valley, lại do vụ khủng hoảng tài chánh năm 2008, các ngân hàng đều thủ thế và trữ vốn khá cao: rủi ro từ Ngân hàng SVB thật ra lại có giới hạn.

Có gì hơi lạ núp sau tấm bình phong là Ngân hàng SVB! Xin được qua phần phân tách - và thưa trước là còn nhức đầu hơn!

1/ Từ thời lập quốc Hoa Kỳ đã có đặc tính ham phiêu lưu để khám phá điều mới lạ. Cũng vậy, thị trường mà có sáng kiến mới hay doanh nghiệp mới, thì cần vốn giúp mình vượt giông bão đi tới thành công. Đó là hình thái liên doanh giữa ai có vốn và người có sáng kiến muốn khai triển kỹ thuật mới để làm giàu rồi chia nhau kết quả. Về hình thái gây vốn, họ dùng từ “venture capital” hay VC là  “tư bản mạo hiểm”. Hiện tượng đã có cả trăm năm trước, rồi bùng nổ với tiến bộ khoa học và thuật lý về sau. Nơi bùng nổ đáng kể là Silicon Valley tại miền Bắc Cali!

2/ Nơi đó, Tổ hợp SVB Financial Group là công ty tài chánh chuyên vận động vốn loại “tư bản mạo hiểm” để tài trợ các doanh nghiệp hay sáng kiến mới, liên hệ đến thuật lý cao cấp (high technology). Làm chủ Tổ hợp là các đại gia có tiền và dám lấy rủi ro để kiếm thêm tiền. Tổ hợp giải quyết các dịch vụ đa năng và phức tạp, như a) ráp nối loại tư bản mạo hiểm (VC); b) tài trợ dự án của các công ty cần vốn giữa một số đối tác tư nhân (là private equity firms) thay vì ra thị trường chứng khoán; c) đầu tư vào ngành thuật lý hoặc sinh thuật lý (biotechnology); d) làm môi giới cho các đại gia cực giàu tại Silicon Valley. Vì vậy, ngoài ngân hàng thương mại SVB vừa nổi tiếng, Tổ hợp còn nhiều phân bộ chuyên môn khác, như SVB Securities là loại ngân hàng đầu tư, SVB Capital chuyên về vốn mạo hiển, hay SVB Private chỉ lo cho thân chủ riêng! Rắc rối thật.

3/ Ngân hàng SVB là một công cụ của Tổ hợp để huy động vốn vào các việc đó. Tiếng là một ngân hàng thương mại (nhận ký thác và cho vay), thật ra SVB còn là ngân hàng đầu tư vì có nghiệp vụ với tư bản mạo hiểm và điều hành các bộ phận có thể đầu tư vào ngân hàng của các thân chủ của Tổ hợp SVB! Chỉ nghĩ đến hệ thống kế toán hay quản trị tài chánh của Tổ hợp SVB và của Ngân hàng SVB là ta hết hồn vì quá sức phức tạp! Huống hồ, Ngân hàng SVB có 29 văn phòng tại Mỹ, chưa kể các cơ sở tại Anh, Ấn Độ, Canada, Đan Mạch, Đức, Hong Hong, Israel, Ireland, Thụy Điển và… Trung Cộng!

4/ Đa số dư luận ở ngoài môi trường nhiêu khê này khó theo sát mọi chuyện nên ít biết tới vai trò của Tổ hợp SVB, nhất là các chủ vốn ở đằng sau, như Vanguard hay BlackRock…. Họ mới là các tập đoàn phát huy tinh thần toàn cầu hóa, đã ào ạt vào Trung Cộng, còn hướng dẫn thị trường về cách làm giàu khi vay tiền của họ cho các sáng kiến mới hoặc cho doanh nghiệp tân lập. Ngân hàng SVB chỉ là tấm bình phong lòe loẹt vừa bị lật, ít ai chú ý tới sự kiện là chính Tổ hợp SVB đã bị chặn và cấm giao dịch cổ phiếu vào ngày Thứ Sáu 10/Tháng Ba. Tổ hợp SVB đã bị lung lay từ trước… mà ta chưa biết!

5/ Giữa tuần trước, doanh nghiệp giám định giá trị trái phiếu là Moody’s Investors Service Inc. báo cho Tổ hợp SVB rằng họ sẽ hạ mức đáng tin về chuyện vay mượn của Ngân hàng SVB! Tức là trước khi Ngân hàng SVB gặp nạn thì doanh nghiệp mẹ là Tổ hợp SVB đã biết mình lâm họa. Phải ở trong nghề và biết về kế toán tài chánh mới cảm ra nhiều ngoắt ngoéo bên trong. Giới tài phiệt thì hiểu liền nhờ có đầy nhân viên chuyên môn.

6/ Họ biết Tổ hợp SVB lâm họa mà ngạc nhiên về phản ứng quá chậm lụt, thậm chí hấp tấp. Moody’s tính hạ mức tín nhiệm vào tài sản của Tổ hợp vì một lý do chủ yếu: tài sản thuộc diện trái phiếu mất giá vì lãi suất tăng. Tổng quản trị CEO của Ngân hàng SVB là Greg Becker và ban tham mưu lật đật gọi Goldman Sachs để xin ý kiến của giới ngân hàng, rồi bay qua New York để thảo luận với Moody’s và các doanh nghiệp định giá trái phiếu khác. Rồi lập kế hoạch ứng phó nhằm nâng giá trị tài sản.

7/ Tóm lược kế hoạch là bán hơn 20 tỷ bạc từ loại trái phiếu có phân lời thấp, rồi tái đầu tư phần tiền sẽ thu vào loại tài sản có tiềm năng sinh lời cao hơn. (Tiềm năng là khả năng tiềm thế, tức là mong sẽ có - mà chưa chắc đã hẳn như vậy!) Có thể là không lời mà sẽ lỗ, nhưng nếu lỗ thì lại bán cổ phiếu để bù lỗ. Miễn sao tài sản của Ngân hàng SVB không bị hạ mức tín nhiệm. Kết quả? - Thưa kế hoạch “tan theo ngày nắng vội”! Lý do ư?

8/ Dù dư luận chưa biết, giới đầu tư và bạn hàng (kể cả chủ nợ) đều thấp thoáng biết sự biến động ấy. Các thân chủ của Tổ hợp chưa biết sẽ lời ra sao nhưng sợ lỗ. Chi bằng rút vốn để thoát kế hoạch… mạo hiểm đó! Ôi chữ mạo hiểm ác liệt: cái vỏ là Ngân hàng SVB đã bị lật, chứ Tổ hợp SVB mới thật hết hồn. Đây là vài chi tiết giải thích (xin lỗi, quá chuyên môn): 

9/ Sắp bị bác sĩ Moody’s cho biết cơ thể mắc bệnh, Tổ hợp mới cho Ngân hàng SVB bán cổ phiếu trị giá 2,25 tỷ bạc. Có General Atlantic đồng ý mua 500 triệu bạc, chứ nhiều đại gia khác chưa kịp tính VÌ QUÁ GẤP. Rốt cuộc cả thị trường cùng biết Ngân hàng lỗ 1,8 tỷ Mỹ kim và cổ phiếu mất giá 60%. Lý do là sự hấp tấp! Khi dạm bán cả tỷ bạc thì không thể bắt bạn hàng nạp tiền nội trong 24 giờ. Một nghiệp vụ lớn như vậy cần một mật ước để bên kia suy tính hơn thiệt, chứ đòi tiền ngay khiến bên kia kết luận tình hình đã nguy ngập rồi. Họ hốt hoảng vì thấy ta hốt hoảng! Tổ hợp SVB lật đật vì biết quá chậm về nội tình, chẳng lẽ như vậy sao? Có lẽ không chậm mà gian!

10/ Ngày 27 Tháng Hai năm nay, Tổng quản trị Ngân hàng SVB đã bán một phần hùn của ông trong Tổ hợp SVB, trị giá 3,6 triệu đô la. Nghiệp vụ được trình cho Hội đồng Giao dịch Chứng phiếu (Securities and Exchange Commission SEC) từ một kế hoạch trù tính trước đó một tháng, 26 Tháng Giêng! Tức là các ông trùm trong Tổ hợp biết lắm điều bên ngoài chưa rõ. Có lẽ loại chi tiết mật đó đã bị rò rỉ ra ngoài nên gây phản ứng cho thị trường và giải thích vì sao General Atlantic và nhiều đại gia khác đã từ chối cuộc chơi. Thế còn Tổ hợp SVB?

11/ Cuối năm ngoái, một phúc trình của Tổ hợp SVB gửi Fed Ngân hàng Trung Ương cho thấy một lỗ hổng gọi là số tích lũy của lợi tức toàn diện lên tới 1.911 tỷ đô la. Khái niệm đó quá chuyên môn của lãnh vực kế toán tài chánh mà tất nhiên được các chuyên gia kế toán hay thuế vụ biết rõ. Đó là “Accumulated Other Comprehensive Income” (AOCI), “gồm có mà không giới hạn là khoản lời (hay lỗ) không hiện thực qua nghiệp vụ bán chứng phiếu; lời (hay lỗ) khi thực hiện nghiệp vụ đối xung thanh khoản, điều chỉnh tích lũy các nghiệp vụ mua bán ngoại tệ và điều chỉnh tích lũy về phúc lợi bổng lộc và hưu liễm”. Diễn nôm thì Tổ hợp SVB bị lỗ từ năm ngoái, mà mấy ai hay?

Bài này đã dài… gấp đôi mọi khi vì đề cập tới chuyện quá rắc rối, với hy vọng không làm quý vị nản chí. Còn kết luận? Chỉ có một thôi nhé, vì xin để một kỳ sau!

- Tổ hợp SVB kín đáo hoạt động trong lãnh vực tư bản mạo hiểm với loại thân chủ chuyên biệt. Đa số khách giao dịch với Ngân hàng SVB cũng như vậy, chứ không là thân chủ của loại ngân hàng thương mại giao dịch với mọi người trong nhiều ngành. Vì vậy, hậu quả sẽ KHÓ là một vụ khủng hoảng tài chánh năm 2008, xuất phát từ vụ trái bóng thị trường gia cư địa ốc bị bể năm 2006-2007.



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét